“Tôn sư trọng đạo” xưa và nay
Tôn sư trọng đạo là truyền thống vô cùng tốt đẹp của nhân loại, ở các chế độ và mọi dân tộc trên thế giới.
Khổng Phu Tử hay Khổng Tử (28 tháng 9 năm 551 TCN – 11 tháng 4 năm 479 TCN) là một triết gia và chính trị gia người Trung Quốc, sinh sống vào thời Xuân Thu. Theo truyền thống, ông được xem là nhà hiền triết Trung Quốc mẫu mực nhất. Những lời dạy và triết lý của Khổng Tử đã hình thành nền tảng văn hóa Á Đông, và ngày nay vẫn tiếp tục duy trì ảnh hướng khắp Trung Quốc cũng như các quốc gia Đông Á khác. Ông là một trong mười vị thánh trong lịch sử Trung Quốc. Khổng Tử quan niệm “Quân - sư - phụ”. Theo Khổng Tử, địa vị của người thầy được nâng lên trên cả địa vị của người cha trong gia đình - sau ông vua là đến ông thầy rồi sau hết mới đến người cha. Người cha cũng có bổn phận dạy dỗ con cái của mình, nhưng trong xã hội xưa, người dạy dỗ con mình nhiều nhất, sát nhất, cả mặt kiến thức và đạo đức chính là người thầy.
Đền thờ Khổng Tử ở Bắc Kinh -Trung Quốc
Cách đây trên 400 năm, J. A. Comenxki (1592 - 1670) nhà giáo dục vĩ đại người Sec đã gọi người giáo viên là người “chuyển giao ngọn đuốc của nền văn minh”, coi chức vụ mà xã hội trao cho người giáo viên là chức vụ quang vinh nhất. Nhà giáo dục Nga K. Đ. Usinxki (1824 - 1870) cũng đã khẳng định: “sự nghiệp dạy học trông bề ngoài thì bình thường, nhưng đó là sự nghiệp vĩ đại nhất của lịch sử loài người”.
Thể hiện lòng biết ơn thầy cô giáo, người Mỹ đã dành một tuần lễ để tri ân các nhà giáo, đó là tuần đầu tiên của tháng 5 hằng năm.
Trong sách Ngữ văn lớp 10 xuất bản năm 2006 đã nói về bức thư của Abraham Lincoln khi còn là Tổng thống nước Mỹ gửi thầy Hiệu trưởng nơi con trai ông theo học. Như vậy đã thể hiện sự tôn trọng của người dân Mỹ với thầy cô giáo bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.
Stalin - Nhà lãnh đạo Liên Xô cũ - mặc dù bận trăm công nghìn việc của những năm tháng chống phát xít nhưng ông vẫn dành thời gian viết thư trả lời một thầy giáo dạy con mình. Bức thư có đoạn:
“Gửi thầy giáo Martyshkin! Xin cảm ơn thầy đã gửi thư.
Sở dĩ tôi viết trả lời thầy muộn, là do công việc quá nhiều. Tôi xin lỗi thầy về điều đó. Con trai tôi, Vasily là một thanh niên hư hỗn, năng lực bình thường, nói dối, hay dọa nạt những kẻ yếu, tư chất yếu đuối và vô tổ chức. Chính những kẻ dung dưỡng, luôn tâm niệm đó là "con trai Stalin" đã làm hư cháu. Tôi mừng, vì nhờ thầy mà tôi biết vẫn còn một giáo viên có lòng tự trọng, đối xử với cháu Vasily như với tất cả học trò khác... Chính các hiệu trưởng như thầy đề cập, đã làm hư cháu Vasily. Họ không xứng có mặt trong trường học, và nếu như cháu Vasily vẫn chưa kịp tự giết mình, là bởi ở đất nước chúng ta vẫn còn có những giáo viên không nỡ để cho đứa học trò "con ông cháu cha", tính khí thất thường đó trượt dài thêm nữa. …”
Tại Việt Nam, một đất nước ngàn năm văn hiến và trọng chữ nghĩa, cha ông ta coi trọng nghề dạy học. Vị trí người thầy được nhân dân tôn vinh đứng thứ hai trong xã hội, chỉ sau Nhà vua, “Quân - Sư - Phụ”. Đạo đức, trí tuệ, niềm tin và tình yêu thương nơi người thầy đã được người dân đặt niềm tin một cách trọn vẹn.
Nhìn lại lịch sử, trong suốt thời gian dựng nước của các vua Hùng, từ vua đến dân đều quan tâm đến việc học hành, tu thân và lập thân của con người, đề cao “Tôn sư trọng đạo”. Theo cuốn Ngọc phả đình thôn Hương Lan (xã Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ), vua Hùng Vương thứ 18 đã mời hai vợ chồng thầy cô Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục (quê Bắc Ninh) vào cung dạy học trực tiếp cho hai công chúa mà nhà vua rất mực yêu quý là Công chúa Tiên Dung và Công chúa Ngọc Hoa. Khi hai thầy cô tạ thế, nhà vua cùng người dân thôn Hương Lan đã tỏ lòng thương tiếc và đã an táng ngay tại nơi dạy học, lập miếu thờ cúng. Từ đấy về sau, muôn dân đất Việt noi theo, kính trọng người thầy, coi trọng sự học. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” luôn được gìn giữ và là một nét đẹp của dân tộc.
Các triều đại phong kiến Việt Nam đặc biệt quan tâm đến nghề dạy học, coi trọng thầy giáo. Chúng ta có thể đánh giá thái độ của nhân dân đối với người thầy giáo thông qua hành xử của các bậc vua chúa. Vua nhà Mạc ban cho Nguyễn Bỉnh Khiêm tước phong Trình Quốc công, là tước phong chính thức cao nhất mặc dù ông không phải quan tướng nắm binh quyền và chưa từng cầm quân ra trận.
Đền Thiên Cổ - nơi thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang
Nhà giáo Chu Văn An (25 tháng 8 năm 1292, ông không rõ năm mất, có một số tài liệu ghi là năm 1370), tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, là một nhà giáo, thầy thuốc, quan viên Đại Việt cuối thời Trần, "danh nhân văn hóa thế giới"[1]. Sau khi mất, ông được vua Trần truy phong tước Văn Trinh công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An hay Chu Văn Trinh. |
Thời kỳ Pháp thuộc: Một tài liệu cũ, có ghi: Năm 1949, một nhà giáo ở Nam kỳ kiện cha một học sinh của mình. Nguyên nhân là học sinh này lười học lại nghịch ngợm, bị thầy rầy và bắt quỳ gối nên mắc cỡ với bạn, uất ức về mách lại với cha. Ông này là người có địa vị trong tỉnh nên đã nổi giận, dắt con lại nhà thầy giáo để mắng thầy và làm thầy mất mặt. Thầy giáo đâm đơn kiện và vị thẩm phán, hồi đó là một người Pháp, đã xử cho ông giáo thắng, lại “tặng” cho người cha hồ đồ, bênh con vô lối kia một bài luân lý về phép xử sự với thầy của con. Tài liệu đó kết luận: Dân tộc mình nổi tiếng là biết trọng thầy, nên có câu “Quân - sư - phụ”; mà bấy giờ có kẻ để cho người Pháp dạy lại cho mình bài học kính thầy thì thật là xấu hổ!
Thời đại Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của những thầy giáo, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, để bảo vệ và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Người đánh giá cao sứ mệnh của người thầy: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...”.
Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”.
Đảng và Nhà nước luôn luôn dành một vị trí tôn kính người thầy, kịp thời ghi nhận và tôn vinh người làm công tác giáo dục. Quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” được đưa ra lần đầu tiên trong Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng (khoá VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, ngày 14/01/1993. Xuyên suốt nhiều kỳ Đại hội Đảng cũng như nhiều Hội nghị Trung ương, quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu không thay đổi. Coi trọng giáo dục luôn đi liền với trân trọng vai trò của thầy cô giáo. Chính sách tôn vinh nhà giáo được Đảng và Nhà nước quan tâm hàng đầu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hằng năm đã ưu tiên dành quỹ thời gian và công sức chăm lo cho giáo dục, cho đội ngũ nhà giáo. Là người giữ chức vụ cao nhất của Đảng nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vô cùng giản dị và khiêm nhường. Ông luôn dành những từ ngữ trân trọng, trìu mến và ấm áp khi kể về thầy cô và bạn bè
Sự phát triển của khoa học và công nghệ số và ảnh hưởng của cơ chế thị trường, … đã kéo theo sự thay đổi trong mối quan hệ giữa phụ huynh, học sinh với các thầy cô giáo, khiến cho người thầy không còn ở vị trí như nó từng có.
Song, dù xã hội có phát triển như thế nào chăng nữa, các phương tiện dù có tối tân đến đâu cũng chỉ là một phương thức hỗ trợ cho quá trình giáo dục của thầy. Vai trò của người thầy đứng trên bục giảng không gì thay thế được. Người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người truyền vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp, gieo mầm thiện để nhân lên những điều thiện trong tâm căn mỗi học trò. Thầy là người định hướng tri thức để học trò khám phá và tìm tòi. Thầy là người truyền lửa đam mê, khơi lên trong các em ước mơ, hoài bão để thổi bùng lên những khát vọng cao đẹp trong tương lai.
Trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” không khác ngày xưa về mặt bản chất. Sự kính trọng, lễ phép với người thầy còn nguyên giá trị. Sự học được coi trọng và phát triển về chất, quá trình giáo dục được chuyển hóa dần thành tự giáo dục, quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, xây dựng một xã hội học tập. Hoạt động giáo dục và đào tạo được thực hiện dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục”, xây dựng trường học hạnh phúc, coi trọng sự khác biệt và đa dạng. Mối quan hệ thầy - trò không còn gò bó bởi các giáo lý phong kiến mà được dân chủ hơn, gần gũi, cởi mở và thân thiện hơn. Học trò kính trọng thầy cô bằng nhiều cách khác nhau. Người thầy phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, tự học và sáng tạo đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao của xã hội, để luôn giữ hình ảnh tốt trong tâm hồn học trò.
“Tôn sư trọng đạo” mãi mãi là một nét đẹp của nhân loại, mãi mãi ăn sâu vào tâm trí người dân Việt Nam.
Nhà giáo Chu Văn An, người thầy đạo cao, đức trọng, là biểu tượng thiêng liêng về đạo học và hình ảnh người thầy của dân tộc Việt Nam đã nói: “Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”./.
Xuân về nhớ Bác |
Nguyễn Văn Hanh - THPT Hàm Yên
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Giáo trình Triết học Mác-Lênin, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003
2. Đặng Nguyên Anh (Chủ biên): Biến đổi xã hội ở Việt Nam - Truyền thống và hiện đại, Nxb.Khoa học xã hội, H.2016
3. Trần Hồng Quân. Về vai trò của giáo viên và vị trí của hệ thống sư phạm. Tạp chí nghiên cứu giáo dục. Số 3/1996, trang -2.
4. Nguyễn Quý Thanh: Xã hội học về dư luận xã hội, Nxb.Đại học Quốc gia Hà Nội,H.2006.
5. Philippe Breton - Serge Proulx: Bùng nổ truyền thông: Sự ra đời một ý thức hệ mới, Nxb.Văn hóa - Thông tin, H.1996.
6. https://www.evn.com.vn/d6/vanhoa-evn/The-gioi-tri-an-nha-giao-nhu-the-nao-200-819-76846.aspx
7. https://www.giaoduc.edu.vn/nghi-ve-quan-niem-quan-su-phu.htm
8. https://hdll.vn/vi/tin-tuc/phat-huy-ban-linh-va-tri-tue-viet-nam-xay-dung-dat-nuoc-ngay-cang-phon-vinh-hanh-phuc.html