Saturday, 20/04/2024 - 16:07|
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO TỈNH TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Như những đóa hoa rừng giữa mảnh đất ATK

“Mẹ Kế đến rồi!”Là tiếng tụi học trò hò reo lên vui mừng khi đến giờ học của cô giáo  Ma Thu Hiền - một cô giáo dạy Ngữ văn đã nhiều năm gắn bó với mảnh đất ATK -vùng đặc biệt khó khăn của Huyện Yên Sơn. Nhắc đến cô là nhắc đến một giáo viên luôn tràn đầy nhiệt huyết, tận tụy với công việc trồng người. Tình yêu nghề và lòng kính trọng, sự yêu quý của đồng nghiệp, học sinh  chính là động lực để cô  vượt qua mọi khó khăn vất vả, mang kiến thức đến cho học sinh trường THPT TrungSơn. 

Cô Ma Thu Hiền cùng đồng nghiệp (Áo đỏ phía phải)

Là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở  Thành phố Tuyên Quang ngay từ khi còn nhỏ, cô giáo Ma Thu Hiền đã ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo để đưa cái chữ đến với con em đồng bào vùng cao ở quê hương. Ước mơ dần trở thành hiện thực khi cô thi đỗ vào trường ĐHSP Hà Nội 2.  Năm 2005 cô được phân công công tác tại trường THPT Thượng Lâm, huyện Na Hang , tỉnh Tuyên Quang. Tâm sự với chúng tôi về những ngày đầu đứng lớp, cô Hiền cho biết: “Là một giáo viên trẻ mới ra trường, nhà lại ở thành phố Tuyên Quang được phân công lên Thượng Lâm, cách nhà hàng trăm km, đường đi khó khăn. Lúc cầm quyết định nước mắt tuôn rơi, nghĩ không muốn đi làm… Nhưng vì ước mơ từ nhỏ được làm cô giáo,và cũng mong được đưa cái chữ đến cho tụi nhỏ, và nghĩ rằng mình còn trẻ mình cần phải  cống hiến cho xã hội, nên mình vẫn xách ba lô lên và đi. Thế mà giờ đây nơi ấy – mảnh đất Thượng Lâm nơi có 99 ngọn núi đã trở thành kỉ niệm tuổi thanh xuân rồi

đấy”.

Năm 2008 cô chuyển công tác về trường THPT Trung Sơn. Học sinh trongtrường chủ yếu là người dân tộc thiểu số, ít được giao tiếp với bên ngoài nên còn nhiều rụt rè, nhút nhát, thậm chí có những em học sinh đọc sáchcòn phải đánh vần, đa số các em còn thiếu thốn sách vở học tập, … Do đó cô luôn tìm tòi sáng tạo để đưa ra phương pháp giảng dạy dễ hiểu giúp các em học sinh nắm chắc bài.

Cô giáo Hiền đang say xưa giảng bài

Đối với những em có hoàn cảnh khó khăn cô luôn ân cần, vỗ về chỉ bảo coi như những đứa con của mình. Đối với những học sinh lười học, học yếu cô cũng không hề bỏ quên, mặt khác cô càng quan tâm hơn, dành nhiều tâm huyết và các biện pháp linh hoạt giúp các em tiến bộ từng ngày. Học trò tâm sự: Cô Hiền nói to, và có lúc “nói nhiều” như mẹ em vậy, chúng em tiến bộ được là nhờ cái tính “nói nhiều” của cô. Vì thế cô được học sinh đặt cho biệt danh: “Mẹ Kế có tâm”. Chúng yêu mến cô, cảm thấy mỗi giờ học văn với cô đều có niềm vui, và là giờ học đáng học.

          Với sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề và tinh thần vượt khó, trong suốt những năm tháng làm việc tại trường THPT Trung Sơn, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cô đã không ngừng phấn đấu, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh, tổ chức hoạt động học tập theo nhóm, đưa ra những câu hỏi gợi mở... Cô còn thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học trò để kịp thời uốn nắn và chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tế cho học sinh. Ngoài dạy học chính khóa trên lớp, cô còn bớt thời gian của bản thân, gia đình, để dành những buổi chiều  phụ đạo không thu tiền cho các em có học lực yếu, mỗi lớp dạy cô đều tạo nhóm Zalo, messenger để liên lạc, trao đổi thêm cho các em sau buổi chính khóa, … Không  chỉ dạy kiến thức, mà còn dạy cách cư xử, cách sống cho các em. Chính sự quan tâm, yêu thương học trò từ tâm nên tình cảm cô trò ngày càng thêm gắn bó. Không chỉ tâm huyết với công tác giảng dạy, cô còn thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, trau dồi kiến thức, chủ động lắng nghe những góp ý của đồng nghiệp thông qua các tiết học dự giờ, phối hợp với tổ, nhóm chuyên môn tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như xây dựng mối đoàn kết trong tập thể nhà trường. Bên cạnh nhiệm vụ chính là giáo viên Ngữ văn, cô còn hoạt động rất tích cực với vai trò tổ phó tổ chuyên môn, ủy viên ban chấp hành công đoàn trường.Chính vì vậy đồng nghiệp luôn cảm thấy ở cô một người gần gũi, thân thiện, có nhiều điều để học hỏi.

Ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, cô còn tích cực trong các hoạt động phong trào, đóng góp tích cực vào thành tích chung của nhà trường. Bên cạnh sự cố gắng trong việc kèm cặp giúp đỡ học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kĩ năng. Cô còn là một trong những tấm gương tiêu biểu trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.Nhiều năm liền có học sinh giỏi cấp tỉnh.Năm học 2019 - 2020, cô ôn tập và bỗi dưỡng cho học sinh lớp 11 thi chọn HSG cấp tỉnh  đạt 01 giải ba; Năm học 2020 -2021 cô ôn tập và bồi dưỡng cho học sinh lớp 12 tham gia kì thi chọn HSG đạt 01 giải ba; 02 giải khuyến khích. Đồng thời cô cũng được nhận giấy khen của giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang trong đợt thi đua lập thành tích chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, năm học 2020 -2021.

          Với tâm niệm nhà giáo là người kỹ sư tâm hồn, người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá, mỗi người giáo viên phải không ngừng học tập trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức cách mạng của nhà giáo, phải vừa “hồng” vừa “chuyên”, cô Hiền luôn hình thành cho mình đức tính tự học, tự sáng tạo, tận tụy với nghề, trở thành tấm gương sáng trong công tác dạy và học. Cô vẫn luôn như 1 đóa hoa rừng mạnh mẽ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, trong công việc để tỏa hương cho đời.


Tác giả: Phạm Thị Thìn-GV Trường THPT Trung Sơn
Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 9 đánh giá
Click để đánh giá bài viết